Các Hóa Thân Trong Quá Khứ

Thông tin chi tiết về các Tiền kiếp của Rinpoche

Sau đây là giải thích về vị trì giữ Kim Cương Phakchok của Taklung Martang tại tu viện Riwoche ở vùng Dokham (phía Tây của Tây Tạng). Hóa thân cơ bản của đấng quy y vô song của chúng ta, đấng bảo hộ chúng sinh ba cõi, Phakchok Rinpoche chính là hiện thân tối mật của chư Phật, tập hợp cô đọng của mọi giáo pháp, vị Mật Chủ Vajrapani (Đại Thế Chí hoặc Kim Cương Thủ); Tôn giả A La Hán A Nan Đà, Đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Lhalung Palgyi Dorje, Đệ tử chân truyền của đấng Đại đạo sư Liên Hoa Sinh; và ngài Rechung Dorje Drakpa, vị Thành tựu giả phi thường.

Phakchok Rinpoche Đời Thứ Nhất

Ngài đã hoá hiện dưới những hoá thân không thể nghĩ bàn vi diệu nhằm cảm hóa chúng sinh tuỳ theo căn cơ của họ, tái sinh Phakchok Rinpoche thứ nhất chính là bậc trì giữ pháp chủ thứ XIII của tu viện Riwoche vinh quang với danh hiệu đầy đủ là Tashi Wangyal Ngawang Dragpa Damcho Phuntshok. Ngài đản sinh vào năm Rồng Đất thuộc chu kỳ Rabjung thứ 12 (năm 1688) trong gia tộc Taklung Gazi, một trong sáu dòng tộc gốc của xứ Tạng. Ngay lập tức, ngài thốt lên Lục Tự Đại Minh Chú và kể lại những đời trước. Ngày và đêm, nhiều vị Dakini và Hộ Pháp đồng hành cùng với ngài. Ngài gắn mình với những thực hành tiếp cận và thành tựu trong nhiều năm mật thất và kết quả là nhìn thấy gương mặt của vị Bổn Tôn tối thắng, Đức Phật Di Lặc (Maitreya). Thực sự đạt được nhiều thành tựu, ngài đã trở nên bất khả chiến bại với những phẩm tính cao thượng của tri thức, lòng từ bi, và sự oai lực.

Phakchok đời thứ nhất được ban cho vinh dự đặc biệt nhờ lòng từ ái của Gyalwa Kalsang Gyatso, Đức Dalai Lama thứ Bảy. Hoàng đế Ung Chính (Yutrig) ngự ban cho ngài một Chiếu Thư Bằng Vàng, cấp bậc Nomihan với ấn triện, kiệu rước, lọng che cùng với những văn kiện được viết bằng tiếng Tạng, Trung và Mông Cổ.

Trong phòng thờ kinh bên trong Tu Viện Chính của tu viện Riwoche, ngài có thánh tượng mười sáu vị A La Hán, tám hóa thân của Đức Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) và nhiều hiện thân linh thiêng khác thuộc Thân, Khẩu và Ý cũng được kiến lập. Sau khi thành tựu vô số lợi lạc cho giáo lý và chúng hữu tình thông qua sự thấu thị và oai lực to lớn, ngài nhập niết bàn vào tuổi thứ ba mươi sáu.

Phakchok Rinpoche Đời Thứ Hai

Tái sinh Phakchok Rinpoche thứ hai mang danh hiệu là Tashi Drakpa Gyaltsen, bậc trì giữ pháp chủ thứ XV của tu viện Riwoche, đản sinh trong gia đình Lho Dasho Meru Ponyo thuộc bộ tộc Lhugpo. Được công nhận là tái sinh của Phakchok Rinpoche đời trước nên năm 5 tuổi, ngài được đưa đến Yang-gön, nơi ngài đã xác nhận các thánh vật thờ cúng vốn thuộc về đời trước của mình. Khi bước vào đại điện, ngài nhận ra các bức tượng và mọi thứ mà ngài đã kiến tạo trong đời trước, ngài nói: “Chính tôi đã làm nên những thánh vật này.” Ngài học đọc, viết và các môn khác không chút khó khăn. Từ những năm tháng nhỏ tuổi, ngài đã có những tri kiến về vị Bổn Tôn của mình và nhìn thấy trực tiếp nhiều vị Phật, Bồ Tát, Dakini và Hộ Pháp.

Ngài thọ nhận giới nguyện tu sĩ từ Yizhin Trinley Chokdrub – vị tái sinh Martang tối thượng, và từ Jedrung Rinchen Sherab. Các vị này cũng ban cho ngài truyền thừa của các quán đảnh giác ngộ và chỉ dẫn giải thoát của Giáo Pháp uyên thâm.

Sau khi Jedrung Rinpoche viên tịch, Phakchok Rinpoche nhận ngôi trì giữ pháp chủ  Yang-Gön và đã gìn giữ giới luật rất nghiêm minh đối với tăng chúng tại tu viện. Trong Tu Viện Chính, ngài giám sát việc xây dựng những bức tượng mới bao gồm Đức Phật Di Lặc, Bát Đại Bồ Tát, Đức Liên Hoa Sinh cùng nhiều vị khác. Về các hiện thân của Ngữ giác ngộ, ngài đã cho làm một bộ kinh Kangyur mới, tuyển tập kim ngôn nghĩa lý chân thực của Đức Phât. Ngài cũng cho sửa lại nơi ở cho các tu sĩ.

Những người quyền cao chức trọng và có thế lực của cả Tây Tạng lẫn Trung Hoa đều tôn kính vị Phakchok Rinpoche này; tuy nhiên ngài quan tâm và giúp đỡ đến tất cả mọi người ở mọi tầng lớp mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ định kiến nào, theo đúng tinh thần Phật giáo. Thông qua bốn hoạt động bất tận để lan truyền các truyền thống Phật Pháp của giáo lý và thực hành, ngài đã giúp đưa mọi người, dù xuất gia hay tại gia, đến với niềm hạnh phúc khi họ theo đuổi thập thiện (mười hành động thiện lành). Nói tóm lại, cho đến thời đại của Phakchok Jigten Wangchuk, được biết đến rộng rãi rằng không có vị trì giữ pháp chủ nào của tu viện Riwoche phát triển tu viện phồn thịnh và gìn giữ giới luật nghiêm khắc hơn là vị đạo sư uy nghi này.

Ngài cũng đã đóng góp và hỗ trợ vô số các tu viện thuộc mọi truyền thống ở các tỉnh Ü, Tsang và Kham. Ngài cúng dường và đảnh lễ tới các thánh vật thờ cúng của tất cả những bậc đạo sư cao thượng mà dẫn đầu là Drigung, Taklung, Kamtsang và Drukpa. Ngài cũng thực hành bố thí cho người nghèo và như thế, hiện bày một đời sống thiện đức. Ở tuổi thứ sáu mươi hai, ngài nhập niết bàn giữa những dấu hiệu cát tường.

Phakchok Rinpoche Đời Thứ Ba

Tái sinh Phakchok thứ ba là Choying Lhundrub, bậc trì giữ pháp chủ thứ XVII của tu viện Riwoche, đản sinh trong gia đình Bechen Khardru trong chu kỳ năm thứ 13. Tại Lhasa, ngài được công nhận bởi lời tiên đoán chính thức và được đăng ngôi pháp chủ của đời trước. Nhận thức được những kiến thức đã ghi nhớ trong tiền kiếp nên dù chỉ nghe qua, ngài đã thông hiểu tất cả những phạm trù tri thức bên ngoài và bên trong và do đó, lừng danh là một bậc thông thái vĩ đại. Hoàn thiện các giới luật nên ngài chính là một tu sĩ tối thắng. Dòng tâm thức giác ngộ của ngài hoàn toàn thấu suốt với lòng vị tha, từ ái bi mẫn và bồ đề tâm, ngài hoàn thiện các hoạt động và đạo hạnh cao thượng của một đời giải thoát. Ngài chính là bậc Thành tựu giả vô song đã thấu đạt mọi tầng định lực (tam-ma-địa) của các giai đoạn phát triển và hoàn thiện trong Kim Cương Thừa. Thật khó có thể tính đếm ngay cả một phần những phẩm hạnh siêu phàm về thân, ngữ và ý giác ngộ nơi ngài vì chúng là chủ thể trải nghiệm chỉ thuộc về những bậc Cao Thượng; chúng sinh thông thường chẳng thể thấy biết được. Tuy nhiên, nói theo những ngôn từ bình thường thì ngài đã thông tuệ các linh kiến thanh tịnh, nhìn thấy gương mặt của bổn tôn và vân vân.

Năm sáu mươi tuổi(60), ngài đến miền Trung xứ Tạng và tại Lhasa, ngài đã diện kiến Đức DaLai Lama, cúng dường, đảnh lễ và ở tại Taklung Yartang trong ba tháng để thọ nhận kho giáo lý đồ sộ từ Je Tangpa, chẳng hạn như giáo lý khẩu truyền trọn vẹn và toàn thiện về bộ giảng huấn của Sangye Wön, nghi quỹ Rinchung Gyatsa cùng với các quán đảnh dài và cô đọng của bậc Hộ Pháp Vinh Quang.

Từ khi còn trẻ, Phakchok Rinpoche đã xuất sắc trong việc ban quán đảnh và các giáo huấn. Hơn thế nữa, ngài kiến lập vô số những thánh vật hỗ trợ cho thân, ngữ và tâm giác ngộ, chẳng hạn một thánh tượng Jokhang mới trong tu viện, sau đó trở nên bất khả phân với thánh tượng Jowo chính tại tu viện Lhasa Trulnang. Chính nhờ ngài chuyển pháp luân sâu rộng và không ngừng mà những học trò may mắn, những người hội đủ duyên lành đã được viên mãn và giải thoát.

Vì vậy, ngài trở thành một bậc Đại Sư gồm đủ những phẩm hạnh vô thượng của trí tuệ thông thái, tính chính trực và tâm giác ngộ cao thượng mà nhờ đó, ngài thành tựu lợi lạc cho giáo lý và chúng sinh. Vào năm Bò Đất, 1829, kim thân của ngài tan hòa vào pháp tánh.

Phakchok Rinpoche Đời Thứ Tư

Tái sinh Phakchok thứ tư là Rinchen Lhundrub Drakpa Kunsel Nyima, bậc trì giữ pháp chủ thứ XIX của tu viện Riwoche, đản sinh trong gia đình Rongko Longa Dzom tại tỉnh Chamdo vào năm Ngựa Sắt (1830). Sau khi được công nhận bằng lời tiên tri chính thức, ngài được đăng ngôi tại pháp toà đời trước. Từ nhiều bậc đạo sư vô song, ngài đã thọ nhận các giáo lý thuộc Kinh Điển, Mật Chú, và những kiến thức về các giáo lý và ngài đã hoàn thiện việc học tập trọn vẹn. Từ Bậc Chủ của Phật Bộ, Tenpey Nyima, ngài thọ nhận tất cả những bản kinh gốc của sự viên mãn và giải thoát cùng toàn bộ những chỉ dẫn khẩu truyền của truyền thống Bốn Bảo Ngọc Giáo Pháp Uyên Thâm lâu đời của truyền thừa Taklung vinh quang và trở thành bậc chủ của những giáo lý đó.

Ngài đã cam kết tiếp nhận và thành tựu pháp tu bổn tôn vô song Đức Phật Di Lặc, nhìn thấy gương mặt của bổn tôn, có những tri kiến thanh tịnh không thể nghĩ bàn. Vì vậy ngài trở thành một đại học giả (Pandita) và đại đạo sư thành tựu. Ngài kiến lập những thánh vật hỗ trợ cho thân, ngữ và tâm giác ngộ, và đồng thời ngài cũng bắt đầu lan toả các hoạt động giác ngộ của mình xa rộng như ban các quán đảnh và giảng dạy giáo pháp. Tại Taklung Yartang, ngài ban trọn vẹn bộ Truyền Thừa Nghĩa Lý thuộc truyền thống Taklung Kagyu lâu đời, những quán đảnh viên mãn và giải thoát, khẩu truyền, và chỉ dẫn toàn bộ về Viên Ngọc Như Ý cho tái sinh của Tenpey Nyima toàn tri và Matrul Geleg Namgyal.

Tại Lhasa, ngài thọ nhận tước vị Nomihan và sau đó ngài đã hoạt động miệt mài không ngừng cho lợi lạc của Phật Pháp và chúng hữu tình trong cả đời sống tâm linh lẫn thế tục cho đến ngày viên tịch.

Phakchok Rinpoche Đời Thứ Năm

Tái sinh Phakchok thứ năm là Ngawang Kunga Namgyal, bậc trì giữ pháp chủ thứ XXI của tu viện Riwoche, đản sinh trong gia đình Sedor Bongkar vào năm Bò Nước (1913). Sau khi được đăng ngôi tại pháp tòa hoàng kim của đời trước, ngài đã học với vô số bậc giáo thọ và đạo sư tâm linh hằng hà sa số giáo lý về Kinh và Mật điển. Đặc biệt, ngài thọ nhận các giáo lý từ Matrul Geleg Namgyal vùng Yartang và những bậc đại thành tựu của tu viện Riwoche. Khi đã hoàn thiện học tập và rèn luyện, ngài trở nên thông thái và thành tựu, và tiếp tục phát triển dòng khẩu truyền chân thực của sự giác ngộ.

Thông qua các phương tiện từ phẩm hạnh xuất chúng của mình về tri thức, lòng từ bi, sự oai lực, kỹ năng phi phàm và sự thông tuệ, ngài đã đem lại lợi ích to lớn cả về mặt Phật pháp lẫn về mặt thế gian cho tu viện Riwoche.

Sau đó ngài đi Lhasa nơi mà dưới sự chứng kiến của đức DaLai Lama thứ Mười Ba tại Cung Điện Potala, ngài chính thức được ban cấp bậc như đời trước. Sau khi mang đến vô lượng lợi lạc cho giáo lý và chúng sinh bằng những phẩm chất thông thái và thành tựu của mình, ngài đã nhập niết bàn. Sau lễ trà tỳ, toàn bộ xương sọ của ngài vẫn còn và bất kỳ đâu mà làn khói từ đàn hỏa táng xuất hiện, xá lợi tự nhiên và các ân phước gia trì khác tuôn rơi, xác nhận ngài chính là đối tượng của sự phi phàm, hỷ lạc, và đức tin.

Phakchok Rinpoche Đời Thứ Sáu

Tái sinh Phakchok thứ sáu là Ngawang Jigmey Drakpa Tubten Namgyall, bậc trì giữ pháp chủ thứ XXII của tu viện Riwoche, đản sinh trở lại trong gia đình Sedor Bongkar, và sau đó được đưa đến đăng ngôi Pháp chủ tại tu viện Yang-gön. Từ Jedrung Trinley Jampey Jungney, bậc chủ của một trăm bộ Phật, và từ nhiều bậc giáo thọ và đạo sư tâm linh khác, ngài hoàn tất những giáo lý chung của các cấp bậc khác nhau trong Kinh và Mật Điển. Đặc biệt, ngài thọ nhận toàn bộ kinh văn và giáo lý của những quán đảnh giác ngộ và những chỉ dẫn giải thoát của dòng truyền Taklung vô song. Ngài dành rất nhiều thời gian nhập thất và trở thành viên minh châu sáng ngời trong tất cả những đạo sư thành tựu và uyên bác.

Ngài nhìn thấy gương mặt của những bậc giác ngộ lớn như Machig Labdron và được các vị chăm sóc. Ngay cả khi ngài thông đạt những tri kiến thanh tịnh không thể nghĩ bàn, bởi vì tâm giác ngộ của vị đạo sư vô cùng uyên thâm sâu sắc, ngài không giảng dạy dù chỉ là một chút bất cứ khía cạnh nào của những giáo lý bí mật. Do bồ đề tâm trong dòng tâm thức của ngài hoàn toàn khai mở, ngài đối xử với tất cả mọi người bình đẳng dù họ là bạn bè hay người xa lạ, giai cấp cao hay tầng lớp thấp, thậm chí ngay cả khi họ cư xử vô ơn, ngài không cảm thấy phiền lòng một chút nào, giống như bầu trời, những hoạt động giác ngộ vô biên của ngài không gì sánh được.

Đặc biệt, năm Rồng Nước, 1952, ngài đã thỉnh mời Tendzin Drakpa vùng Katok, còn được biết đến với danh hiệu Pema Rangdrol, vị đạo sư sở hữu ba phẩm tính là uyên bác, chính trực và cao thượng, đến thiết lập một Shedra (Trung tâm Đại Học Phật Giáo) mới cho các truyền thống Taklung và Drukpa Kagyu. Tại Achog, ngài xây dựng một trung tâm thực hành mới. Ngài cũng kiến tạo vô số những hiện thân linh thánh của thân, ngữ và tâm giác ngộ, và tu sửa các ngôi nhà cũ và vân vân. Bằng cách này, ngài đã mang lại nhiều thành tựu to lớn cho tu viện Riwoche. Cuối cùng do sự xâm chiếm của Cộng Sản tại các khu vực của Tây Tạng và khi giáo lý hoàn hảo của Đấng Chiến Thắng bị điêu tàn, tại Chamdo vào năm Dê Đất, 1979, trong tình trạng bị giam giữ khắc nghiệt, ngài nhập niết bàn.

Các thông tin này được biên soạn bởi Hiệp Hội Riwoche với mục đích đóng góp vào một ấn phẩm kỉ niệm mười năm trung tâm Ka-Nying Ling ở Kuala Lumpur, và theo nguyện vọng của Đức Tsikey Chokgyur Lingpa thứ Bốn,  các thông tin này được dịch bởi Erik Pema Kunsang, tại Tu Viện Ka-Nying Shedrub Ling, tháng 2, năm 2000. Bài này được cung cấp và hiệu đính bởi Nhóm Dịch Thuật và Xuất Bản Lhasey Lotsawa vào tháng 12 năm 2011.